Nhờ biết khai thác lợi thế địa phương, mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, nông dân huyện Hiệp Hòa từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và làm giàu chính đáng.
Người dân xã Châu Minh quen gọi anh Ngọ Văn Hòa (SN 1975) ở thôn Ngọ Khổng là “vua vịt” bởi mô hình chăn nuôi vịt của gia đình anh có quy mô lớn nhất nhì trong tỉnh. Mỗi năm anh nuôi 3 lứa vịt, mỗi lứa từ 2-3 vạn con vịt đẻ và thương phẩm. Hơn chục năm trước, kinh tế gia đình anh Hòa gặp nhiều khó khăn. Con còn nhỏ, hai vợ chồng chỉ canh tác mấy sào ruộng theo hướng truyền thống nên thu nhập thấp. Qua tham khảo các mô hình ở nhiều nơi, anh quyết định đầu tư nuôi vịt. Sau khi đấu thầu hơn 2 ha khu đồng trũng của thôn, anh xây dựng chuồng trại nuôi vịt kết hợp thả cá.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phạm Văn Toàn.
Qua thực tế chăn nuôi, anh Hòa đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý. Tại trang trại của gia đình có lò ấp để chủ động nguồn giống tốt và lựa chọn loại cám chất lượng, phù hợp với đàn vật nuôi. Vào mùa gặt, anh Hòa chuyển vịt đến các cánh đồng trên địa bàn huyện để tìm nguồn thức ăn tự nhiên. Quan tâm khử trùng chuồng trại. Nhiều năm qua, vật nuôi của gia đình anh không bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Bình quân, doanh thu từ nuôi vịt từ 3-5 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 40%.
Cũng nhờ mạnh dạn đầu tư và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, anh Phạm Văn Toàn (SN 1977) ở thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Nắm bắt lợi thế địa phương trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua gia đình anh tập trung nuôi gà quy mô lớn. Với hơn 1 ha diện tích vườn đồi của gia đình, mỗi lứa anh Toàn nuôi 1 nghìn con. Sau này, anh kết hợp nuôi hơn 40 con dê, gần chục con bò và 3 mẫu ao nuôi cá. Mỗi năm, từ chăn nuôi ba lứa gà, hai lứa cá, hai lứa dê mang lại lợi nhuận 250- 300 triệu đồng.
Trên địa bàn huyện Hiệp Hòa còn có nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm. Có thể kể đến hộ anh Trần Văn Minh, xã Châu Minh xây dựng trang trại thả cá, nuôi lợn và thủy cầm; anh Phùng Văn Sáu, xã Bắc Lý nuôi kỳ đà, hươu, nhím, dúi, ba ba…
Theo bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, những năm gần đây, các cấp hội đã đẩy mạnh phong trào hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu. Hội đã liên hệ, bảo lãnh để hội viên được vay vốn; hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời vận động, kết nối hình thành các tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; giới thiệu tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Tại các xã có nhiều mô hình thành công như: Chăn nuôi lợn hữu cơ, sản xuất giống gà bằng thụ tinh nhân tạo, trồng dưa lưới, rau sạch, hoa trong nhà màng, nấm trong nhà lạnh. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cách sản xuất thông thường từ 20 – 25%.
Năm 2023, hội viên sôi nổi đăng ký phấn đấu sản xuất kinh doanh giỏi; đến nay đã có hơn 12,1 nghìn hộ đạt danh hiệu này, bằng 107% kế hoạch đề ra. Hằng năm, tỷ lệ hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh, hiện còn hơn 1,5%, thấp hơn mặt bằng chung của huyện.
Theo Vi Lệ Thanh (Báo BG)